Đồng giải nhất với đội tuyển nước chủ nhà Liên bang Nga, Đội tuyển Hải quân Nhân dân Việt Nam đã thi đấu xuất sắc, gay cấn, sát sao điểm số với đội bạn ở nội dung Đấu tranh bảo vệ sức sống tàu.
Theo kết quả bốc thăm, đội tuyển nước chủ nhà là đội thi đầu tiên. Vì thế, áp lực rất lớn lên các tuyển thủ Việt Nam lần đầu thi tài ở nội dung này. Áp lực càng tăng lên sau khi bạn hoàn tất phần thi với kết quả cao, xử lý tình huống các lỗ thủng chỉ hết khoảng 47,84 giây, mực nước 10,4cm.
Nhưng với quyết tâm cao nhất, sự linh hoạt, thành thạo các kỹ năng, vị trí, phối hợp, hiệp đồng tốt, các tuyển thủ Việt Nam đã tận dụng tối đa từng phần trăm giây để xử lý tình huống, hoàn thành bài thi tốt hơn trông đợi.
Trong khoang thi đấu chật hẹp với diện tích khoảng 6m2 (chiều ngang 2m, chiều dài 3m) mô phỏng như bên trong của một chiến hạm đang hoạt động trên biển và gặp sự cố xuất hiện các lỗ thủng bất kỳ, nước tràn vào với áp suất lớn, gây ngập tàu. Khi báo hiệu bắt đầu vang lên, 5 lỗ thủng trong khoang thi đấu bất ngờ phun nước không theo thứ tự, lúc thì ở mặt vách, lúc dưới đáy khoang, lúc ở bề mặt phía trên khoang thi đấu. Nước phun bắn xối xả, trắng xóa, các tuyển thủ không thể thấy rõ mặt nhau.
Trong không gian đầy thử thách ấy, các tuyển thủ Việt Nam bình tĩnh, nhanh nhạy phán đoán vị trí nước phun ra từ các lỗ thủng, phối hợp đưa những kích thép nặng hàng chục kg và các loại thiết bị khác bịt những lỗ thủng đang phun nước với áp lực rất mạnh, ở mức 3kgf/cm2.
Đội tuyển Việt Nam hoàn tất bài thi với thời gian 48,24 giây, mực nước 10,2cm. Với kết quả thấp hơn đội bạn nhưng đội tuyển chúng ta lại có thành tích vượt đội bạn ở mực nước ngập trong khoang thi đấu. Kết quả chung cuộc của hai đội ngang bằng nhau ở mức 38 điểm, cùng đạt thành tích đồng giải nhất.
Thi đấu ngang ngửa với đội chủ nhà
Cùng ngày, tại Trung tâm huấn luyện thể thao dưới nước của Hạm đội Thái Bình Dương cũng diễn ra cuộc tranh tài nảy lửa, gay cấn giữa Đội tuyển Hải quân Nhân dân Việt Nam và Đội tuyển Hải quân Liên bang Nga ở nội dung Sử dụng phương tiện cứu hộ, cứu nạn - nội dung thi đấu cuối cùng của môn thi “Cúp biển”.
Theo quy chế môn thi, mỗi kíp thi đấu gồm 5 tuyển thủ bắt đầu sau tín hiệu còi vang lên thì mở túi đựng và mặc bộ quần áo cứu hộ đúng thao tác yêu cầu rồi lao xuống mặt nước bơi về phía vị trí phao cứu sinh ở khoảng cách 25m. Sau đó cả kíp thi đấu lên phao, cố định vị trí tiếp tục sử dụng mái chèo và bàn tay khua nước đưa xuồng về bờ. Đội nào thực hiện đúng các thao tác, không phạm lỗi và đưa phao về đích trong thời gian ngắn nhất sẽ giành chiến thắng.
Trước khi các tuyển thủ thực hiện bài thi, tổ trọng tài tiến hành kiểm tra lại toàn bộ trang phục cứu hộ, sau đó được các tuyển thủ xếp gọn và đưa vào túi đựng theo đúng quy chế.
Theo kết quả bốc thăm thi đấu, Đội Cứu nạn cứ hộ của Đội tuyển Hải quân Nhân dân Việt Nam thi đầu tiên. Ngay sau khi trọng tài chính người Nga phát lệnh, các tuyển thủ Việt Nam đã nhanh chóng bung túi, lấy bộ đồ cứu hộ màu vàng cam có kết cấu bên ngoài là mút mềm và bên trong chống thấm nước vừa dày, vừa nặng hàng chục kg và quá khổ mang mặc vào người.
Tiếp đó, các tuyển thủ như những “kình ngư” dũng mãnh lao xuống mặt nước bơi về phía xuồng cứu hộ. Chỉ hơn một phút kể từ khi bắt đầu, tuyển thủ đầu tiên của Đội tuyển Hải quân Nhân dân Việt Nam đã bơi đến xuồng cứu hộ, rồi lần lượt tiếp theo cả 5 tuyển thủ đều cố định vị trí trên xuồng, hiệp đồng nhịp nhàng, theo tiếng hô dùng mái chèo và tay khua nước tạo thành sức mạnh tổng hợp, đồng bộ đưa phao vào bờ nhanh nhất có thể.
Theo kết quả hội ý sơ bộ của tổ trọng tài, Đội tuyển Cứu nạn cứu hộ của Hải quân Việt Nam và Hải quân Liên bang Nga có thành tích ngang nhau..
Đánh giá về kết quả 2 nội dung thi đấu cuối cùng của môn “Cúp biển", Trung tá Nguyễn Văn Đồng, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 162, Vùng 4 khẳng định: Thi đấu với đội tuyển nước chủ nhà Liên bang Nga có nhiều kinh nghiệm là một thách thức rất lớn. Nhưng các đội tuyển của chúng ta đã thi đấu xuất sắc, thể hiện năng lực, trình độ, kỹ năng không thua kém, cạnh tranh sát sao thành tích với đội bạn. Điều đó đã phản ánh đúng kết quả huấn luyện của đơn vị.
Kết quả chính thức hai nội dung thi đấu sẽ được công bố sau khi tổ trọng tài họp vào ngày 28/8.
Về nhì nội dung thi Kỹ năng hàng hải
Theo kết quả họp tổ trọng tài ngày 27/8, Đội tuyển Hải quân Nhân dân Việt Nam đã về nhì nội dung thi Kỹ năng hàng hải, xếp sau đội tuyển nước chủ nhà Liên bang Nga và trên Đội tuyển Trung Quốc.
Ngay sau khi kết thúc phần thi, Đội Kỹ năng hàng hải của Đội tuyển Hải quân Nhân dân Việt Nam đã nhận được sự đánh giá cao của trọng tài chính người Nga trên tàu giám sát, vì thực hiện tốt bài thi dù chưa được cung cấp về điều kiện khí tượng thủy văn, nhất là các yếu tố gió, dòng chảy ở vùng biển lạ thuộc Vịnh Amurskiy. Đây là các yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định nhiều tới thành công của phần thi.
Trong bài thi, Thuyền trưởng Tàu 016 - Quang Trung, Thượng tá Hoàng Anh phải điều động tàu thả neo cập phao trên hướng đăng ký với trọng tài là 345 độ và bảo đảm khi buộc phao xong tàu phải ổn định trên hướng này, mức biên độ dao động không quá 5 độ. Hướng tàu đăng ký được lựa chọn dựa trên điều kiện khí tượng thủy văn tại khu vực thi đấu.
Theo đồng hồ của trọng tài trên Tàu 016, thời gian kết thúc bài thi là 25 phút 30 giây, như vậy chỉ già quá nửa so với tổng thời gian 40 phút của cả bài thi cho phép. Tàu 016 sau khi cơ động thực hiện cập phao đã đứng im tại ví trí một cách chắc chắn và vững vàng với dây lái được khóa chặt cứng, độ lệch so với hướng đăng ký chính xác đến từng độ. Bài thi được thực hiện tốt cả về thời gian lẫn độ ổn định trên hướng của tàu. Đây là thành tích tốt hơn khi đội tuyển luyện tập trong nước.
Trước đó, đội tuyển Hải quân Nhân dân Việt Nam đã xếp thứ nhất nội dung thi bắn pháo tàu AK176, xếp thứ 2 nội dung mắt mục tiêu maket thủy lôi trôi bằng súng máy 14,5 ly (xếp sau Đội tuyển Hải quân Liên bang Nga và xếp trên đội tuyển Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc)./.
Môn thi “Cúp biển” được tổ chức tại 2 địa điểm là vùng biển thuộc Thành phố Vladivostok của Liên bang Nga và biển Caspi (do Iran làm chủ nhà). Tại địa điểm Thành phố Vladivostok có các đội tuyển đến từ 3 quốc gia: Việt Nam, Trung Quốc và nước chủ nhà Liên bang Nga tranh tài. Các nội dung thi gồm: Thi bắn pháo tàu (bắn mục tiêu trên biển bằng pháo AK-176, bắn ma két mìn trôi bằng súng 14,5 ly), Kỹ năng hàng hải, Đấu tranh chống chìm và Sử dụng phương tiện cứu hộ. Lần đầu tiên Hải quân Nhân dân Việt Nam tranh tài tại môn thi “Cúp biển”. Đây là cơ hội để quân đội và hải quân các nước giao lưu, học hỏi nâng cao kỹ năng về huấn luyện, thao tác khí tài quân sự, đồng thời tăng cường tình đoàn kết, sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, góp phần tích cực xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển”. * Kết quả chi tiết các nội dung thi của đội tuyển Hải quân Nhân dân Việt Nam: - Bắn ma két thủy lôi trôi: Giải Nhì. - Bắn pháo AK 176 và mục tiêu trên biển: Đồng giải Nhất với đội tuyển Hải quân Liên bang Nga. - Kỹ năng hàng hải: Giải Nhì. - Chống chìm tàu: Đồng giải Nhất với đội tuyển Hải quân Liên bang Nga. - Sử dụng thiết bị cứu sinh: Đồng giải Nhất với đội tuyển Hải quân Liên bang Nga. Kết quả chung cuộc thi "Cúp biển" của Hải quân Nhân dân Việt Nam trong khuôn khổ Army Games 2021: Giải Nhì toàn đoàn. - Giải cá nhân: Trưởng ngành Hàng hải xuất sắc, Thượng úy Nguyễn Tiến Duy, Trưởng ngành 2, Tàu 016 - Quang Trung, Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân. |
Từ khóa: ARMY GAMES 2021 , Hải quân Việt Nam , Liên bang Nga , Trung Quốc , bắn pháo , thủy lôi
Nguồn tin: web360do.vn